Cyberpunk là gì? Tại sao văn hóa Cyberpunk lại phổ biến và được nhiều người yêu thích đến thế?
Dạo gần đây, chắc hẳn các bạn đã nghe qua ít nhiều về những tác phẩm văn học, phim ảnh, tiểu thuyết hoặc phổ biến nhất là qua các dòng game liên quan đến cụm từ "Cyberpunk". Nhưng có ai trong các bạn hiểu được từ Cyberpunk và nguồn gốc của văn hóa này? Hôm nay hãy cùng Vaithuhay chúng mình tìm hiểu xem Cyberpunk là gì? Tại sao nó lại phổ biến và được nhiều người yêu thích đến thế nhé.
Cyberpunk là gì?
Cyberpunk là một nhánh nhỏ của thể loại Khoa học viễn tưởng. Theo đó, các tác phẩm phong cách Cyberpunk (như phim điện ảnh, game, văn học) thường được đặt trong bối cảnh tương lai có sự kết hợp giữa 2 yếu tố là bước tiến của công nghệ (Cyber) và sự suy giảm của cuộc sống con người, đặc biệt là đạo đức (Punk). Mô-tuýp của văn hóa Cyberpunk thường là sự phát triển của AI vượt quá sự kiểm soát của con người khiến trật tự thế giới đảo lộn, nên con người phải tìm mọi cách sinh tồn và trốn thoát khỏi sự khống chế của máy móc.
Nhờ tình tiết hấp dẫn như vậy nên dù đã xuất hiện từ rất lâu, các tác phẩm Cyberpunk vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng cao từ người hâm mộ.
Cyberpunk có nguồn gốc từ đâu?
Cyberpunk đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 - giai đoạn phong trào “Làn sóng mới cho Khoa học viễn tưởng” lớn mạnh. Trong đó, những cây bút tài ba như Philip K. Dick, Roger Zelazny, J. G. Ballard, Philip Jose Farmer và Harlan Ellision đã “chắp cánh” cho Cyberpunk lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, phải đến tận năm 1983, khi truyện ngắn có tên Cyberpunk của Bruce Bethke được đăng trên tờ Amazing Stories thì thuật ngữ Cyberpunk mới phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Bối cảnh
Các cốt truyện Cyberpunk thường xoay quanh các cuộc xung đột giữa trí tuệ nhân tạo, hacker, và các tập đoàn khổng lồ, nằm trong thế giới tương lai gần thay vì lấy bối cảnh của một tương lai xa hoặc các viễn cảnh ngân hà xuất hiện trong các tiểu thuyết như là tác phẩm Foundation của Isaac Asimov hoặc "Dune" của Frank Herbert. Lấy bối cảnh của dystopia hậu công nghiệp nhưng thường bao gồm xã hội có nền văn hóa biến động và công nghệ được sử dụng trong những trường hợp không tưởng. Thể loại này thường có bầu không khí phim noir, và tác phẩm nằm trong thể loại này thường sử dụng kỹ thuật từ thể loại trinh thám. Một số nhà phê bình đánh giá Cyberpunk đang dần bị chuyển thể từ phong trào văn học đến trở thành thể loại con của khoa học viễn tưởng vì số lượng tác giả ít và sự thay đổi đang trở nên phổ biến hơn.
Con người
Con người trong Cyberpunk thường sẽ là nửa người nửa máy, họ xem máy móc như một món đồ trang sức bắt buộc phải có trên người (cấy trực tiếp vào cơ thể). Thông thường những nhân vật này đều là những kẻ ngoài vòng pháp luật và cực kỳ nguy hại cho xã hội: hacker, khủng bố, tội phạm đặc biệt nguy hiểm, sát nhân hàng loạt, lính đánh thuê máu lạnh,... Đặc biệt hơn là những nhân vật này thường sẽ nhận những cái kết bi thương, cho dù họ có cố gắng thay đổi hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi chăng nữa.
Tại sao Cyberpunk lại phổ biến và được nhiều người yêu thích đến thế
Sau khi đã biết đến những bộ phim, tiểu thuyết và những con game về chủ đề Cyberpunk thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: " Nếu xã hội trong Cyberpunk chỉ toàn điều tiêu cực thì tại sao chúng ta lại yêu thích nó đến như vậy?" Phải chăng có một sức hút đặc biệt đến từ thể loại “đen tối” này?
Câu trả lời xác đáng nhất có lẽ chính là sự tò mò của nhân loại về thế giới trong tương lai, nơi mà mọi thứ đều vô định và con người chúng ta chưa biết đến hoặc chạm tay vào những thứ đó.
Câu hỏi “Điều gì biến chúng ta trở thành con người?” dù mang đậm tính triết lý nhưng vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống đời thường. Nếu anh em gặp một người nghèo khổ sống ở tầng dưới của xã hội thì liệu chúng ta có động lòng trắc ẩn hay sẽ dửng dưng chà đạp lên số phận nhỏ nhoi đó như các tập đoàn điển hình trong thể loại Cyberpunk? Nếu là một người ở tầng lớp thấp gánh chịu nhiều bất công, thì liệu chúng ta có vùng lên chống lại những điều sai trái, tạo nên sự thay đổi trong xã hội hay không?
Tại mọi thời điểm trong lịch sử, con người luôn hứng thú với các công nghệ hiện đại, mới mẻ, sẵn sàng dành hết thời gian và công sức để phát triển chúng. Vậy nếu trong tương lai, công nghệ đã đạt đến đỉnh cao và dần trở nên nhàm chán thì chúng ta sẽ làm gì? Câu trả lời cho những câu hỏi trên có lẽ chỉ được tìm thấy trong một thế giới Cyberpunk giả tưởng.