Trang bị kiến thức trước khi đi lặn biển

Trước khi lặn biển chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản gì?

Lặn biển ngắm san hô là hoạt động du lịch được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bạn trẻ thích khám phá, tìm hiểu đại dương. Khi quyết định khám phá đại dương với nhiều điều kì thú, bất ngờ thì việc đầu tiên chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản để trải nghiệm lặn biển diễn ra suôn sẻ.

Thời điểm nên đi lặn biển

Chọn ngày nắng nóng hay ngày mát mẻ đều được, quan trọng là biển không động nghĩa là sóng không lớn, gió không nhiều.

Một yếu tố khác quyết định để được một chuyến bơi lặn thú vị đó chính là nước phải trong. Đôi khi điều kiện thời tiết lý tưởng nhưng nước lại đục, lặn không nhìn thấy được gì.

Phải đảm bảo sức khỏe trước khi lặn biển

Nếu bạn bị bệnh tim, cao huyết áp… thì không nên trải nghiệm hoạt động lặn biển. Xuống biển bạn sẽ bị áp lực đè nén, cộng với việc tâm lí có chút lo lắng, sức khỏe lại không đảm bảo, rất dễ bạn sẽ đuối sức và ngất ngay khi đang lặn biển, nguy hiểm sẽ dẫn đến mất mạng. Vì vậy, chỉ lặn biển khi bạn cảm thấy có đủ sức khỏe.

Giống như những môn thể thao khác, các bạn không nên lặn khi đang quá đói hoặc vừa ăn no. Lặn với một cái bụng rỗng chắc chắn sẽ khiến cho bạn cực kì mệt mỏi. Trong khi đó, lặn vào lúc no lại rất dễ bị nôn. Vì thế, thời điểm lý tưởng nhất để tham gia vào hoạt động lặn biển là sau khi ăn khoảng 1 tiếng.

Ngoài ra, chỉ nên lặn khi tâm trạng thật thoải mái, tránh lặn khi đang sợ hãi hoặc có vấn đề bất ổn về tâm lý. Lặn khi tâm trạng bất ổn có thể làm giảm khả năng linh hoạt khi xử lý các tình huống và dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.  

Đảm bảo tâm lý trước khi lặn biển

Tại sao phải chuẩn bị tâm lý khi lặn biển? vì đại dương vô cùng rộng lớn, nơi bạn có thể thám hiểm nhưng vẫn có những mối nguy hiểm rình rập, vì vậy, bạn cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng cho chuyến du ngoạn của mình để có thể bình tĩnh xử lý những tình huống bất cập theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Nếu bạn lo sợ, căng thẳng quá mức trước khi xuống biển thì hãy nói với hướng dẫn viên, nếu thấy không ổn, bạn không thể tự điều chỉnh tâm lý của mình thì đừng nên xuống biển, bạn sẽ dễ bị hoảng loạn, chuột rút, ngất… khi đang đi lặn biển rất nguy hiểm.

Học một khóa về lặn biển

Sau khi đã kiểm tra đủ sức khỏe thể chất để có thể lặn biển, các bạn nên tham gia một khóa tập huấn kiến thức, các kĩ năng, thao tác khi ở dưới nước… Nếu đã có kinh nghiệm trong việc bơi lội và lặn thì không cần thiết phải tham gia.

Phòng tránh một số sinh vật dưới nước


Khi lặn dưới nước ngắm san hô cùng các loại cá và sinh vật biển các loại. Một quang cảnh của thế giới đại dương đẹp lung linh, huyền bí. Nhiều lúc quá mãi mê mà bạn có thể vô tình hay cố ý tiếp xúc một số sinh vật biển có thể có độc tố gây nguy hiểm cho mình, dưới đây là một số sinh vật biển mà người lặn gần bờ hay gặp phải.

Sứa biển:

Có rất nhiều loại sứa, có loại có độc tố có loại không, tốt nhất khi gặp chúng thì chỉ quan sát không nên tiếp xúc với nó.

Cầu gai:


Đúng như tên gọi, là một sinh vật sống bám trên các tảng đá và các rặn san hô dưới nước. Chúng ít di chuyển, thường thí người lặn không chú ý nhiều khi đạp phải chúng.

Có nhiều loại cầu gai, có loại gai dài, có loại gai ngắn, hình dáng và màu sắc khác nhau nhưng nhìn chung nó là hình tròn, có gai tốt nhất là không nên bắt cầm nắm chúng.

Cá Mao


Là một loại cá có màu sắc sặc sở, có vi là những chiếc gai dài chúng có độc tố rất mạnh có thể gây tê buốt, khó thở thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không may đụng phải chúng. Chúng ẩn mình trong các rạng san hô, trong các hang, kẻ đá, san hô. gặp chúng thì chỉ ngắm vẽ đẹp của nó tuyệt đối không nên đụng vào.

Những lưu ý khác khi lặn biển

  • Tuyệt đối tuân thủ các quy tắc, sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Ngay cả khi bạn từng có kinh nghiệm lặn biển, bạn cũng nên khởi động, học lặn trước 5 phút theo hướng dẫn viên để lặn biển an toàn.
  • Bạn cần bơi chậm, luôn lặn cùng đoàn, không lặn một mình, lặn quá sâu để tránh khi bị chuột rút, bình thiếu oxi… sẽ có người biết và giúp đỡ cho bạn.
  • Không uống rượu trước khi lặn biển. Việc uống rượu trước khi lặn sẽ khiến bạn bị thiếu nước nhanh hơn và dễ gây các biến chứng khó lường khi áp suất tăng.
  • Sau khi lên bờ để đỡ bị ù tai, bạn hãy ngậm miệng, bịt chặt tai và thở ra nhẹ nhàng bằng mũi.
  • Phải chờ 24h sau khi lặn bạn mới được lên máy bay để cơ thể hồi phục sức khỏe, nếu bạn không có đủ thời gian thì bạn không nên lặn biển.