Đi phượt - Những vấn đề cần lưu ý

Giới trẻ bây giờ lúc nào cũng mới mẻ và nhiều trào lưu lắm. Khác hẳn với những anh/chị ngày xưa. Bây giờ một bộ phận không nhỏ người trẻ luôn sống với niềm đam mê, sự nhiệt huyết, đủ dũng khí để quyết định những vấn đề của riêng mình. Không cần phải dựa dẫm, phụ thuộc vào ai cả.

Những năm gần đây, trào lưu "phượt", một dạng du lịch tự túc, tiết kiệm, hay "du lịch bụi" được giới trẻ Việt Nam đam mê. Một sự khẳng định bản thân, vượt qua thử thách trong sự trải nghiệm qua những chuyến đi, về những mảnh đất mới, những con người mới đã tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ.

Phượt, dành cho những con người độc lập, dám chinh phục khát khao, sở thích và ước mơ của mình. Khi “xách ba lô lên và đi”, những bạn trẻ được quyền quên hết muộn phiền, áp lực trong công việc, cuộc sống. Và được đắm chìm vào những cảnh đẹp sắp đặt chân đến. Tận mắt chiêm ngưỡng và hưởng thụ. Cảm giác đặt chân đến một vùng đất mới, tiếp xúc những con người mới, cảnh quan mới khiến cho bản thân luôn ở trong trạng thái háo hức, tràn đầy năng lượng. Thế nên phượt luôn có sự lôi cuốn, hấp dẫn riêng với không ít người để ngày nắng hay mưa, chuyến hành trình vẫn chẳng dừng lại. Những cung đường hanh khô mùa nắng hay mùa mưa bão thì cũng cần chú ý rất nhiều vấn đề mới có được chuyến đi thuận lợi, hoàn hảo. Vì thực tế một chuyến đi phượt có thể sẽ gặp vô số điều bất tiện.

Những vấn đề về thời tiết

Bất kỳ mùa nào, dù là Xuân – Hạ - Thu – Đông, không “phượt thủ” nào có thể tránh được những cơn mưa bất thình lình ập xuống. Người ta nói những ai có duyên đi với nhau dưới mưa sẽ được bên nhau suốt đời nhưng đối với “ phượt thủ” thì đi “phượt” dưới mưa đúng là ác mộng.

Vừa khó khăn trong việc quan sát, di chuyển, lại có thể bị ướt hết đồ đạc, không cẩn thận lại ốm như chơi. Làm sao mà tận hưởng được chuyến đi phượt trọn vẹn chứ. Vì vậy ngoài những dụng cụ cần thiết thì việc bảo vệ quần áo, đồ đạc, giày là điều rất cần thiết nhé.

Nguy hiểm rình rập từ những cung đường

Một kinh nghiệm dành cho các bạn đó là trước khi đi phượt, hãy dành thời gian xem trước toàn bộ cung đường sắp đi, chú ý những địa danh nổi tiếng trên đường.

Tham gia giao thông trên đường không thể lường trước được các tình huống nguy hiểm. Nhất là khi đi phượt, lạ đường thì chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Đi đúng tốc độ cho phép trong khu vực đông dân cư, thường là 50 km/h. Khi chạy xe đường đèo, đường nhiều góc cua, bạn nên phóng tầm mắt ra xa, nhìn bao quát để lường trước những chướng ngại vật, xe đang tiến về phía mình.

Hư hỏng xe

Để tránh trường hợp xe cộ gặp vấn đề trong chuyến đi thì trước mỗi chuyến đi, bạn nên kiểm tra kỹ xe. Hãy chăm sóc và đối xử tốt với xe của mình vì đó là người bạn đồng hành với ta trên suốt quãng đường.

Kiểm tra còi, đèn pha, xi nhan, gương, phanh, thay dầu máy, nước làm mát, tăng xích chùng, thay má phanh (nếu mòn).

Hạn chế về hành lý

Khi quyết định du lịch phượt, tức là bạn phải chấp nhận tối giản hành lý của mình so với những chuyến du lịch thông thường. Chính vì vậy trong chuyến đi phượt bạn chỉ nên mang những đồ áo và vật dụng thật sự cần thiết (đồ bảo hộ khi đi đường, giấy tờ tùy thân, túi y tế, quần áo thích hợp) để tránh gây ra sự bất tiện trong khi di chuyển.

Tiếp cận với những thứ mới mẻ

Điều thú vị nhất của những chuyến đi phượt chính là khám phá được những thứ mới mẻ, tuy nhiên đó cũng chính là điểm bất lợi cho bạn khi bạn tiếp xúc với một phong cách ẩm thực không phù hợp, và khi đến những vùng sâu xa của Tổ quốc có thể bạn sẽ gặp nhiều dân tộc với những phong tục khác thường ngày. Chính vì thế hãy tìm hiểu văn hóa của dân tộc thiểu số, của địa phương mà bạn đến trước khi đi. Một phần để làm giàu vốn văn hóa của mình, một phần để tránh gây ra những điều không hay, thiếu lịch sự khi bạn đến đó. 


Đề phòng bị lừa gạt

Ngoài cướp giật dọc đường, các bạn cũng nên đề cao cảnh giác với những trò lừa gạt trong chuyến đi của mình, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc.

Dù đi du lịch theo hình thức nào, bạn cũng nên chú ý đề cao sự an toàn cho bản thân.