Câu chuyện chiếc ống hút trong mũi chú rùa

Câu chuyện chiếc ống hút trong mũi chú rùa

Ngày 10/8/2015, cộng đồng Youtuber dậy sóng bởi một clip được đăng bởi tài khoản Sea Turtle Biologist, hành động giải cứu chú rùa khỏi ống hút bị mắc kẹt trong lỗ mũi. 6 ngày tiếp theo đoạn clip đạt 1,5 triệu lượt xem cùng rất nhiều lượt chia sẻ, mọi người đều tỏ rõ sự phẫn nộ và xót xa cho số phận của chú rùa tội nghiệp này. Và cho đến hiện tại ngày 16/8/2018 con số đó đã lên đến 32.628.028 lượt xem. Vậy đoạn clip trên có gì mà khiến mọi người chú ý đến vậy?

Mọi chuyện xoay quanh một chuyến khảo sát trên biển, khi các nhà khoa học phát hiện ra con rùa này và ban đầu, họ nghĩ thứ đang nằm trong mũi nó chỉ là một con sâu ký sinh nên đã dùng chiếc kềm trong bộ dụng cụ đa năng để lấy ra. Nhưng sau khi kéo ra một đoạn, họ phát hiện rằng đó là một mảnh rác bằng nhựa.



Phần chú thích bên dưới đoạn video trên Youtube cho biết: "Rất có khả năng con rùa đã ăn phải cái ống hút nên cố gắng ựa ra nhưng không thành công và cuối cùng ống hút mắc kẹt luôn trong mũi nó. Khoang mũi của rùa biến được nối trực tiếp với vòm miệng bởi một ông dẫn dài. Rõ ràng là "anh rùa" đã không mấy thoải mái trong quá trình lấy mẩu nhựa ra, nhưng chúng tôi tin rằng giờ đây anh sẽ có thể thở một cách tự do." 

Mặc dù con rùa đã chảy khá nhiều máu trong lúc lấy mẫu rác ra nhưng các nhà nghiên cứu cho biết nó đã bình thường trở lại rất nhanh sau đó. Christine Figgener, một trong các nhà nghiên cứu có mặt trên thuyền cho biết rằng "chúng tôi đã dùng iodine để khử trùng, giữ nó lại một chút để theo dõi và sau đó thả nó về biển khơi. Máu đã ngừng chảy rất nhanh sau khi ống hút được lấy ra."

Từ trước đến nay đối với chúng ta, rùa là một sinh vật vô hại, chúng chỉ loanh quanh dưới đại dương, Rùa biển thì giúp giữ cho các chuỗi thức ăn ở biển được cân bằng. Rùa đồi mồi ăn các loài bọt biển, nếu không thì loài này sẽ chiếm chỗ của các rạn san hô. Những loài rùa khác gặm thảm cỏ biển, giúp tỉa tót và giữ gìn các môi trường này. Rùa da là loài động vật chính tiêu thụ sứa, một giống ăn ấu trùng cá.

Chúng hoàn toàn vô hại với con người, nhưng trái lại chúng ta cứ vô tình làm đau chúng bởi những vật dụng hàng ngày ném xuống biển. Chỉ với đoạn clip hơn 8 phút cũng đủ để bạn thấy nỗi đau đớn mà chú rùa này phải chịu.

Cũng phải thôi, con người bị kim đâm vào tay cũng phải rút ra ngay, còn chú rùa của chúng ta đã phải sống cùng đoạn ống hút dài gần 10cm trong lỗ mũi. Thử tưởng tượng cảm giác đó mà xem, thật tội nghiệp đúng không?

Lượng lớn ống hút nhựa trôi ra biển là bởi vì con người xả ly nhựa, ống hút khi họ đi tham quan biển. Hoặc do rác thải bị cuốn từ đất liền, nhất là trong mưa bão, hay từ các thùng rác rơi ra và trôi xuống cống thoát nước mưa và đổ ra sông, suối...

Theo một thống kê, trong số những loại rác thải nhiều nhất thế giới, ống hút nhựa đứng vị trí thứ sáu và nằm trong tốp những loại rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường biển. 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương mỗi năm, lẫn trong đó là hàng triệu ống hút nhựa đủ loại và đủ kích cỡ.

Thực tế không phải chỉ những chú rùa mà các loài động vật biển khác cũng là nạn nhân của chất thải nhựa, cụ thể là ống hút. Có những loài vật đã phải chịu đau đớn, chết dần chết mòn vì những thứ như vậy tồn tại bên trong cơ thể. Chú rùa này của chúng ta may mắn hơn vì được phát hiện và cứu giúp kịp thời. Chúng ta cần biến những tình thương, sự phẫn nộ ấy thành hành động. Bằng cách hạn chế ống hút nhựa tối đa.